top of page

THIỀN ĐỊNH VÀ NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT



Thiền định đang dần trở nên thịnh hành không chỉ ở các quốc gia châu Á, mà còn ở các nước phương Tây, không chỉ trong cộng đồng thực hành tâm linh, mà còn trong đại chúng rộng lớn hơn. Thiền định dần trở thành lối sống trên toàn thế giới, lan tỏa từ gia đình, đến nhà trường, và các tổ chức.


Bên cạnh những người thường xuyên thực hành thiền, vẫn còn nhiều người đã bắt đầu rồi dừng lại, chưa bắt đầu vì ngại ngùng, hoặc bắt đầu mà vẫn còn chưa hiểu rõ về thiền định.

Phạm vi bài viết này nhằm cung cấp những góc nhìn về những thuận lợi cũng như mặt hạn chế của thiền định, các phương pháp thiền phổ biến hiện nay, để rồi bạn có thể chọn lựa phương pháp thiền phù hợp với bản thân.


NHỮNG KHÁI NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN THIỀN ĐỊNH

  • Thiền khác với kiểm soát tâm trí và không phải là dừng suy nghĩ.

  • Thiền không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

  • Thiền vượt ra ngoài phạm vi niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh.

  • Mỗi người có những trải nghiệm thiền khác nhau.

  • Thiền định cần kiên trì và bền bỉ.

  • Không có phương pháp thiền “đúng” mà chỉ có phương pháp thiền “phù hợp”.

  • Có 3 kỹ thuật thiền cơ bản.



Thiền khác với kiểm soát tâm trí và không phải là dừng suy nghĩ.

  • Thiền là rèn luyện cho tâm trí “ngồi xuống”, nhẹ nhàng “kéo” tâm trí dừng lang thang lại, ở yên ngay đây và bây giờ.

Thiền không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

  • Không có một nơi hoàn hảo để thiền. Việc thực hành thiền có thể diễn ra bất cứ nơi nào, như trong nhà, ngoài vườn, khi chờ tại sân bay hay nhà ga, trên bãi biển, v.v…

  • Vũ trụ ban tặng 24 giờ cho mỗi người. Thời gian là do chính mình chủ động sắp xếp và cần có sự ưu tiên dành thời gian để thiền vào lúc nào đó trong ngày, như sáng sớm sau khi thức dậy, giờ nghỉ trưa, trước khi đi ngủ, v.v…. Thời lượng thiền 5 phút, 10 phút, 20 phút, 30 phút, v.v… đều tùy thuộc vào sự sắp xếp và sức khỏe của bạn

Thiền vượt ra ngoài phạm vi niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh.

  • Thiền định không đòi hỏi một niềm tin tâm linh cụ thể nào.

  • Nhiều người thuộc những tôn giáo khác nhau vẫn thực hành thiền thường xuyên và không hề có bất kỳ mâu thuẫn nào với niềm tin tôn giáo hiện tại của họ.

Mỗi người có những trải nghiệm thiền khác nhau.

  • Mỗi người chúng ta đều khác nhau, vì vậy mà trải nghiệm khi thiền cũng sẽ thật phong phú và đa dạng.

  • Những trải nghiệm “siêu việt” nào đó cũng chỉ là những trải nghiệm của riêng cá nhân đó mà thôi và đó không phải là đích đến cuối cùng của thiền tập.

Thiền định cần kiên trì và bền bỉ.

  • Chỉ khi rèn luyện và thực hành thường xuyên để thiền trở thành thói quen trong hoạt động hàng ngày, những lợi ích của thiền mới thực sự mang lại cho bạn.

Không có phương pháp thiền “đúng” mà chỉ có phương pháp thiền “phù hợp”.

  • Thông qua thực hành và trải nghiệm, bạn sẽ tìm ra được phương pháp thiền phù hợp cho bản thân.

Có 3 kỹ thuật thiền cơ bản.

  • Thiền Tập trung (Focused Attention), Thiền Mở (Open Monitoring) và Thiền Tự siêu việt (Automatic Self – Transcending).



LỢI ÍCH KHI THỰC HÀNH THIỀN THƯỜNG XUYÊN

  • Giúp “dọn dẹp” tâm trí, nhìn nhận vạn vật sáng rõ và thông suốt hơn.

  • Cải thiện khả năng tập trung và ổn định tâm trí..

  • Giảm căng thẳng, lo âu, áp lực.

  • Mang lại tinh thần thư thái.

  • Tăng khả năng tư duy và sáng tạo.

  • Tăng khả năng tư duy phản biện.

  • Làm chủ được cảm xúc, tỉnh táo trong suy nghĩ, chủ động mọi hành vi.

  • Trở nên nhạy cảm và sâu sắc hơn.

  • Nuôi dưỡng lòng bác ái và trắc ẩn với sự thấu hiểu bản thân và mọi người xung quanh.


Một số nghiên cứu nêu lên lợi ích của thiền, và cũng có những nghiên cứu chỉ ra rằng “là thiền có thể giảm căng thẳng, lo âu, áp lực” là chưa có đủ dữ liệu để khẳng định. Hoặc “thiền giúp cải thiện sức khỏe thể chất và sức khỏe cảm xúc” cũng vẫn đang là những chứng cứ dẫn nhập mà thôi.





MẶT HẠN CHẾ CỦA THIỀN ĐỊNH

  • Sự trốn chạy: nếu áp dụng thiền để “đạt tới cảnh giới” an lạc trong tâm trí và bỏ quên thực tại, thiền có thể trở thành “công cụ” để tránh đối diện với những việc bất như ý và đắm chìm với điều mà mình mong cầu, mong muốn.

  • Trải nghiệm siêu việt: nếu cho là những trải nghiệm trong thiền của bản thân là siêu việt, thì có thể cái tôi đang dẫn dắt người đó và có thể đưa đến sự thất vọng nặng nề hơn trên nhiều phương diện.

  • Những cảm xúc bị tổn thương trỗi dậy: ký ức đau buồn, vết thương lòng, cảm xúc bi thương có thể hiện lên trong lúc thiền định. Chỉ cần bạn chấp nhận, học bài học từ những ký ức, cảm xúc này thì dần dần bạn có thể nhận diện được bản chất sự việc cân bằng hơn và điều chỉnh hành vi hài hòa hơn qua những lần thiền tập.

  • Rào cản về sức khỏe: không có thước đo cụ thể về thời gian cần dành cho thiền định cũng như bạn cần cảm nhận được sức khỏe của cơ thể. Việc giữ một tư tế quá lâu trong khi ngồi thiền có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cơ xương khớp. Mọi cố gắng quá sức chịu đựng của cơ thể đều tạo nên mất cân bằng trong bạn cả về suy nghĩ, cảm xúc lẫn thể chất.






NHỮNG PHƯƠNG THỨC THIỀN PHỔ BIẾN HIỆN NAY

Tùy theo tính cách và lối sống của mỗi người mà họ sẽ tìm ra được phương pháp thiền phù hợp cho bản thân thông qua thực hành và trải nghiệm rồi chọn lọc.



Những phương thức thiền phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Loving-kindness meditation

  • Progressive muscle relaxation

  • Mindfulness meditation

  • Breath awareness meditation

  • Mantra-based meditation

  • Transcendental meditation

  • Mindfulness-based stress reduction

  • Guided meditation



Thiền Nhân ái (Loving-kindness meditation)

Còn có tên gọi là Thiền Yêu thương hoặc Thiền Từ bi, giúp nuôi dưỡng lòng biết ơn, sự tử tế và tình yêu thương với vạn vật.

Trong từng hơi thở sâu, người thiền mở rộng lòng để đón nhận yêu thương và trao gởi lòng bác ái đến với thế giới xung quanh.

Dẫn thiền (Guided meditation)

Người dẫn thiền kết hợp với giọng nói, âm nhạc và lời dẫn để giúp người tập thiền, có thể hướng dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp (ghi âm), dần dần đi vào sự tập trung.

Người tập thiền được khơi gợi liên tưởng sâu trong tâm trí thông qua vận dụng các giác quan của cơ thể để cảm nhận được những hình ảnh, tình huống giúp thư giãn tối đa.

Thiền Chánh niệm (Mindfulness meditation)

Thiền Chánh niệm giúp người thực hành quay về với chính mình, sống trong từng khoản khắc của hiện tại, thay vì nuối tiếc quá khứ và lo lắng về tương lai.

Cốt lõi của Thiền Chánh niệm là không phán xét, không chỉ trích. Dựa trên triết lý của Phật giáo, hiểu sự đổi thay liên tục không ngừng của vũ trụ, chấp nhận tính “vô thường” trong cuộc sống.

Hiện tại chính là giây phút hạnh phúc nhất, hoàn hảo nhất của cuộc đời mỗi người.

Thiền Trì chú (Mantra-based meditation)

Còn có tên là Thiền Chân ngôn – Chân âm. Mantra là một thuật ngữ tiếng Phạn, “man” có nghĩa là “tâm trí” và “tra” có nghĩa là “giải phóng”.

Người thực hành lặp đi lặp lại trong đầu hoặc phát âm ra cụm âm tiết, cụm từ nào đó, có thể là những âm thanh có ý nghĩa, được xem như là phương tiện để kết nối với tâm trí, để giữ cho tâm trí tập trung, chuyển hóa những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực thành tích cực (Có thể lấy ví dụ về Mantra như tụng kinh hoặc trì tụng trong Phật giáo, hoặc đọc kinh thánh của các cộng đoàn Công giáo, v.v…).

Phương thức này cũng gần với kỹ thuật Affirmation trong Lập trình Ngôn ngữ tư duy (Neuro Linguistic Programming – NLP) giúp thiết lập lại những từ ngữ tích cực cho bản thân.


Thiền Hơi thở (Breath awareness meditation)

Tập trung vào hơi thở, hít vào thật sâu và thở ra thật chậm rãi, thật tự nhiên nhất trong trạng thái thả lỏng người.

Hơi thở ra nhẹ nhàng giúp cơ thể thư giãn, giảm dần sự phân tâm bởi những dòng suy nghĩ lo lắng.

Thiền Siêu việt (Transcendental meditation – TM)

Là phương thức thiền định sử dụng thần chú và lặp đi lặp lại trong im lặng. Mỗi người với những đặc điểm cá nhân khác nhau sẽ được chỉ định những câu thần chú khác nhau.

Mục đích cuối cùng của TM là gạt đi những suy nghĩ tiêu cực, buồn phiền và lo lắng trong cuộc sống, tăng khả năng phục hồi và tìm thấy sự minh mẫn, bình an trong tâm hồn.




Giảm căng thẳng dựa vào tỉnh giác (Mindfulness-based stress reduction)

Được phát triển tại Trung tâm Y tế Đại học Massachusetts (Mỹ) vào những năm 1970 bởi Giáo sư Jon Kabat-Zinn, MBSR là sự kết hợp giữa thiền chánh niệm, nhận thức cơ thể và yoga nhằm mục đích giúp con người trở nên chú tâm hơn, qua đó có thể làm chủ được bản thân và điều hòa cảm xúc.


Hiện nay Trung tâm Y học và Giáo dục Tỉnh giác CFM (the Center For Mindfulness in Medicine, Healh Care and Society) thuộc trường Đại học Y Massachusettes (UMASS), được xem là cơ sở y tế lớn nhất và lâu đời nhất ở Mỹ trong đào tạo và điều trị bằng MBSR. MBSR được chính thức đưa vào giảng dạy và thực hành lâm sàng tại nhiều trường đại học Y ở phương Tây, kể cả một số trường đại học lớn ở Mỹ như Umass, Standford, Duke, Virginia, San Francisco.





Thiền Thư giãn, căng – chùng cơ (Progressive muscle relaxation)

Liệu pháp thư giãn, căng – chùng cơ (Progressive Muscle Relaxation – PMR) là một kỹ thuật giảm lo lắng được bác sĩ người Mỹ Edmund Jacobson giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1930.

Người thực hành bắt đầu từ điểm cuối của cơ thể, thường là bàn chân rồi dần đến toàn bộ cơ thể. Kỹ thuật này tập trung căng và thư giãn xen kẽ ở tất cả các nhóm cơ chính của cơ thể.

Nhờ vào quá trình tĩnh tâm và thư giãn, nhiều người áp dụng như thiền định để hỗ trợ đi vào giấc ngủ sâu.


THIỀN ĐỊNH LÀ MỘT PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU THÂN TÂM THUỘC LĨNH VỰC Y HỌC THAY THẾ

Sẽ không có một phương thức chung nào của thiền định có thể áp dụng với tất cả mọi người, mà tùy thuộc vào mỗi người để tìm ra được loại hình phù hợp với riêng mình. Cũng không có công thức chung về thời gian cần dành cho thiền là bao lâu một lần, hoặc tần suất bao nhiêu lần mỗi tuần.


Có thể nói thiền định là một kỹ năng cần thiết trong đời sống hiện nay và cần thời gian thực hành lâu dài, cần kiên trì và bền bỉ để có thể trở thành thói quen và mang đến cho mình sự cân bằng thân tâm trí.


Khi hiểu và cảm nhận được, đôi khi sự không hoàn hảo lại là sự hoàn hảo nhất tại thời điểm hiện tại, hạnh phúc trong từng khoảnh khắc sống, ta đã thực sự sống trong tỉnh thức và an yên.


Viết bởi: Hải Đăng Lê (Elsa)

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu.

留言


Profile Photo Dang Le 01.jpg

BE KIND • HAVE COURAGE

Trải nghiệm cuộc sống và học để thấu hiểu vạn vật với trí tuệ và lòng biết ơn, trong cân bằng và hạnh phúc, trong tử tế và nhân ái.

Let the posts
come to you.

Thanks for submitting!

  • LinkedIn
  • Youtube
  • Facebook
bottom of page